Hội nghị “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”
do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức
Xác định chuyển đổi số là động lực quan trọng để tăng trưởng và phát triển bền vững, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp theo Quyết định số 861/QĐ-UBND-HC ngày 5/8/2022, dựa trên 3 trụ cột gồm: chính quyền số đóng vai trò dẫn dắt, kinh tế số là khâu đột phá, xã hội số là trọng tâm. Nhờ vậy, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Xây dựng và phát triển chính quyền số
Cụ thể, trong xây dựng và phát triển chính quyền số, hệ thống quản lý văn bản và điều hành thông suốt từ Trung ương đến cấp xã, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trên 95%, sử dụng khoảng 900.000 văn bản điện tử mỗi năm, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí in ấn phát hành. Trong đó, cung cấp 841 dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh, 561 dịch vụ công trực tuyến một phần, tỷ lệ số hóa đạt 57%. Bên cạnh đó, tỉnh hoàn thành Dự án Nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, Dự án Nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ chính quyền số và an toàn thông tin mạng tỉnh Đồng Tháp, bổ sung về hạ tầng cho hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) bao gồm: máy chủ, lưu trữ, tường lửa... để bảo đảm hoạt động và an toàn thông tin cho hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Đồng thời hoàn thành tích hợp Cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh qua trục tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh; hoàn thành tích hợp với cơ sở dữ liệu Tư pháp hộ tịch của Bộ Tư pháp qua trục LGSP của tỉnh; hoàn thành tích hợp Cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe của Bộ Giao thông vận tải...
Đặc biệt, tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (gọi tắt là IOC) với những công nghệ tiên tiến như: IoT (camera và các thiết bị quan trắc); AI, Big Data áp dụng cho các hệ thống giám sát giao thông, sâu rầy, khai thác cát, giám sát thông tin trên mạng Internet, trợ lý ảo giải quyết TTHC; công nghệ thực tế ảo. Đến nay, IOC đã triển khai 18 phân hệ giám sát ở cả 3 trụ cột của đề án chuyển đổi số. Trong đó nổi bật là hệ thống camera giám sát thông minh, tích hợp 145 camera ở 9 huyện, thành phố; hệ thống giám sát an toàn thông tin giám sát cho 13 máy chủ và 5.093 máy trạm trên toàn tỉnh; hệ thống giám sát sâu rầy đã tích hợp dữ liệu từ 17 trạm quan trắc; hệ thống điều hành y tế đã tích hợp dữ liệu từ 13 cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Có thể nói, IOC tỉnh đã tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu, thông tin góp phần giải quyết TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị, phục vụ công tác chỉ huy, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh. Đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ thông minh, từng bước hình thành đô thị thông minh của tỉnh.
Thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
Đối với phát triển kinh tế số, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp có nhiều cơ chế, chính sách và các hoạt động cụ thể thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Đáng chú ý là Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 5/5/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp về “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025”. Cùng với đó, quan tâm xây dựng và phát huy hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến nay, có trên 58% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hơn 438 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của tỉnh ước đạt 6,42% (năm 2021: 4,49%; năm 2022: 4,57%; năm 2023: 4,96%). Nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã chào bán trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Tiki, TikTok...; có 22 hội quán và 33 hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và mua bán qua mạng.
Về phát triển xã hội số của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng Tháp hiện có hơn 4.400 trạm thu phát sóng thông tin di động; hơn 83% hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cố định; hơn 1,9 triệu thuê bao điện thoại cố định và di động; hơn 1,4 triệu thuê bao internet; 100% khóm, ấp đã phủ sóng thông tin di động 3G, 4G, có đường truyền internet cáp quang; có 266 điểm phục vụ bưu chính, bán kính phục vụ bình quân là 2,03km. Hoạt động bưu chính chuyển phát được đẩy mạnh gắn với thương mại điện tử.
Đồng hành cùng UBND tỉnh, thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp Hội) đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hội thành viên về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số. Theo đó, Liên hiệp Hội phối hợp Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công 2 hội nghị chuyên đề “ChatGPT: Nhận thức và cách ứng xử”, “Trí tuệ nhân tạo (AI) - Những xu hướng phát triển và gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”; phối hợp Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị chuyên đề “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”. Qua đó nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng của khoa học - công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số.
Infographic về Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ 18 năm 2024 - 2025
Cùng với đó, Liên hiệp Hội tổ chức Hội thảo tư vấn “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp - Thực trạng và giải pháp” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, khi tham dự các hội nghị, hội thảo do Liên hiệp Hội tổ chức, đại biểu chủ yếu quét mã QR để xem tài liệu, không in tài liệu như cách làm truyền thống. Điều này giúp tiết kiệm chi phí, vừa ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động chuyên môn, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Liên hiệp Hội đẩy mạnh tuyên truyền trong các Hội thành viên về chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chuyển đổi số, tổ chức hội nghị về phát triển kinh tế số nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách của tỉnh. Đồng thời tăng cường phối hợp với các Hội thành viên, thành viên liên kết phổ biến các tri thức khoa học công nghệ trên chuyên trang Trí thức Khoa học - Công nghệ, Báo Đồng Tháp và chuyên mục Tri thức phục vụ đời sống của Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp...
Nguồn Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp