Quang cảnh buổi hội nghị
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU, Ban cán sự đảng UBND tỉnh luôn quan tâm sâu sát công tác chỉ đạo, điều hành chuyển đổi số trên tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là xây dựng chính quyền số để, kinh tế số, xã hội...
Ngoài các mô hình chuyển đổi số được tỉnh và các bộ, ngành triển khai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đăng ký chuyển đổi số ở ít nhất 1 lĩnh vực đối với sở, ngành tỉnh, tối thiểu 2 lĩnh vực đối với địa phương cấp huyện. Kết quả, có 16/18 đơn vị cấp sở và tương đương, 11/12 địa phương cấp huyện được công nhận có mô hình triển khai chuyển đổi số.
Năm 2022, kinh tế số của tỉnh tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tỷ lệ doanh thu kinh tế số ước đạt 3,7% GRDP tỉnh (tăng 0,1% so với năm 2021). Hiện, tỉnh có hơn 320 sản phẩm nông sản, đặc sản của 60 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được giới thiệu và mua bán trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Voso, Postmart...
Đặc biệt, trong năm 2022, UBND tỉnh ban hành Đề án thí điểm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Theo đó, mỗi huyện lựa chọn 1 khóm, ấp để thành lập, sau 2 năm thí điểm, đánh giá và tổ chức nhân rộng đến 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh. Các Tổ công nghệ số cộng đồng và các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 40 lượt ra quân hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng ứng dụng e-Dongthap; tổ chức đào tạo 4 lớp tập huấn nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, TP Cao Lãnh triển khai thực hiện thí điểm tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố tại 3 tuyến phố Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt.
Năm 2023 là năm quốc gia về dữ liệu số “tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, trên tinh thần đó, các ngành, các cấp và địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu địa phương, nhất là dữ liệu về dân cư và nông nghiệp. Phấn đấu năm 2023, Đồng Tháp xếp vị trí thứ 30 trở lên về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh.
Tại hội nghị, đại biểu thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số như: đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đoàn Thanh Bình - Giám Đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện nay, Đồng Tháp đang bước vào giai đoạn chuyển giao giữa mô hình làm việc truyền thống và ứng dụng mô hình chuyển đổi số. Do đó, trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, vì vậy, để thực hiện hiệu quả Đề án chuyển đổi số của tỉnh rất cần có sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, địa phương. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân cùng đồng hành với chính quyền trong quá trình triển khai Đề án chuyển đổi số. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay.
Ông Đoàn Thanh Bình - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (thứ 2 từ trái sang) trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp cho các tập thể
Dịp này, UBND tỉnh Đồng Tháp trao tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022.
MỸ LÝ